ĐẠO ĐẤM NGỰC


 

Trần Mỹ Duyệt

 

Thưa chú, cháu được rửa tội, có giấy chứng nhận rửa tội đàng hoàng chính danh người Công Giáo, nhưng mấy đứa bạn của cháu mỗi lần nghe cháu nói mình đi lễ, đi nhà thờ, hoặc đọc kinh thì chúng nó cười và bảo cháu là người theo “Đạo Đấm Ngực”. Chúng nó bảo cháu là bọn tao không hiểu mày như thế nào mà mỗi lần đến nhà thờ thì đọc: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa và cùng anh chị em, tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng...”  Rồi bọn nó đấm ngực 3 lần và cười có vẻ như chế nhạo. Có đứa còn nói, mày thú nhận cùng tao đi, vì tao cũng là chị em với mày đây nè. Gớm tội gì mà nhiều tội thế! Theo chú, cháu phải giải thích với tụi bạn tinh quái này như thế nào? Thú thật mỗi lần nghe chúng nói nhạo như vậy, cháu thấy nhột dạ lắm...

Cám ơn chú,

TPh

 

Câu trả lời góp ý:

 

Trên đây là một câu hỏi rất ý nghĩa và cũng rất thực tế trong sinh hoạt tôn giáo. Hy vọng là bạn bè của người hỏi được coi như một lũ bạn tinh nghịch, thấy một bạn khác tôn giáo, siêng năng và nhiệt thành với niềm tin của mình thì chọc ghẹo cho vui thôi. Nhưng nếu ai trong nhóm bạn bè này có ý coi thường và châm chọc đạo của nhau, thì cách tốt nhất là   cứ nói và giải thích cho các bạn ấy. Đại khái như sau:

 

Trước hết, mình xin bạn tôn trọng tên gọi của đạo mình. Đạo mình là đạo “Công Giáo”, chứ không phải đùa chơi như bạn gọi là “Đạo đấm ngực”. Đấm ngực chỉ là một hành động trong nghi thức xám hối trước khi cử hành hoặc tham dự thánh lễ. Mình mong bạn hiểu như thế.

 

“Đấm ngực” là gì? Như vừa đề cập ở trên, đấm ngực là hành động nói lên sự thành tâm, ăn năn và thống hối chân thành của một người với ý thức về những sai phạm của mình. Mọi Kitô hữu phải chuẩn bị tâm hồn tinh sạch để xứng đáng tham dự thánh lễ bằng cách ăn năn và thống hối về những lỗi phạm của mình.   

 

Mình hỏi bạn, có bao giờ bạn có những tư tưởng hão huyền, sai trái không nhỉ? Thí dụ, thấy một chàng nào đó điển trai, có tài, học thức và thành đạt rồi đem lòng mơ ước, chiếm hữu không? Có bao giờ bạn nuôi những ý nghĩ tham lam, ghen tỵ, giận hờn, và ác cảm với một người nào đó không? Về lời nói, có bao giờ bạn nói những lời cố tình hoặc vô tình làm đau lòng, làm tan nát hạnh phúc gia đình của bạn bè, anh chị em mình không? Hoặc có bao giờ bạn có những hành động mà người Công Giáo gọi là xúc phạm đến Thiên Chúa và anh chị em mình không? Thí dụ, do thù ghét, ác ý, ghen tỵ, tham lam, tự ái mà dẫn đến nói những lời châm chọc, phỉ báng một ai đó, hoặc những hành động trả thù, giận hờn, nói hành, nói xấu người khác. Và thực tế hơn là có những tranh luận, những hành động xúc phạm đến nhau như bạn đang chọc ghẹo mình bằng cách gọi mình là người theo đạo đấm ngực chẳng hạn.

 

Những điều thiếu sót! Mình nghĩ tất cả chúng ta đều thiếu sót rất nhiều: thiếu sót đối với chồng, với vợ, với con cháu, với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em. Tiếp đến là thiếu sót đối với bạn bè, người thân, người cùng sở, cùng sinh hoạt chung. Và xa hơn là thiếu sót đối với những người đáng thương về tinh thần, thể xác, và tâm lý. Những nạn nhân của chiến tranh, thiên tai, bão lụt; của chính trị, tôn giáo, xã hội, và chủng tộc. Tóm lại, ở điểm thiếu sót này thì cả các bạn và mình cần phải đấm ngực mỗi ngày. Chúng ta thực sự thiếu sót, và thiếu sót rất nhiều. Thiếu sót về mọi mặt.

 

Tại sao phải đấm ngực? Vì đây là hành động vừa mang tính cách con người, vừa tâm lý và tâm linh. Tôi đấm ngực tôi vì tôi tự nhận cái yếu đuối, khuyết điểm của mình, những yếu đuối và khuyết điểm mà tự tôi tôi biết, không ai biết. Tôi đấm ngực tôi vì tôi xác nhận thực tế về các yếu đuối và khuyết điểm ấy. Tôi tự chấp nhận để tha cho mình, trước khi tha cho những người khác. Và tôi đấm ngực trước Đấng Tối Cao là Thượng Đế hiểu thấu tâm tư của tôi. Như vậy hành động đấm ngực rõ ràng mang một ý nghĩa rất lớn đối với việc tha thứ, được tha thứ và biến đổi con người.  

 

Một người không bao giờ nhận mình có lỗi, có tội, dù chỉ là những thiếu sót là một người rất nguy hiểm. Lời một vị thánh nhân nói: “Nếu bạn tự cho mình là hoàn hảo, thì không còn gì để nói nữa” (St. Augustine). Nói một cách nghiêm túc, tức là “bỏ đi”, hay “đồ bỏ”. Bởi vì ai mà không có lỗi. “Nhân vô thập toàn”. Người ta chỉ có thể sửa sai và nên tốt hơn nếu nhận mình có lỗi. Và đó là lý do tại sao những người Công Giáo đấm ngực và nhận mình có lỗi. Tuy nhiên, bạn cũng đừng hỏi mình thế sao nhiều người Công Giáo vẫn là người xấu? Đương nhiên, việc sửa sai và thăng tiến nội tâm là một hành trình tâm linh, nó chỉ kết thúc khi một người đã nhắm mắt. Theo mình, chính vì có những sửa sai nhỏ nhoi ấy mà thế giới đã không ra tồi tệ hơn, đời vẫn đáng sống, và bạn có những người bạn vừa tốt mà cũng vừa không tốt để chơi.

 

Ngoài ra, hành động đấm ngực và kêu van sự tha thứ đối với cái nhìn tâm linh rất cần thiết. Nó mời gọi và kêu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng luôn nghe lời khẩn cầu mà tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Ngài còn ban ơn sức mạnh giúp chúng ta can đảm, vững vàng vượt qua những yếu đuối và thách đố của cuộc đời để thăng tiến trong đời sống tâm linh.

 

Tóm lại, qua những gì mình vừa trình bày, bạn có thể hiểu phần nào việc “đấm ngực” của mình. Hy vọng bạn tôn trọng cách thức thể hiện niềm tin tôn giáo của mình và gọi mình một cách đúng với tên gọi của một người Kitô hữu. Mình là người “Công Giáo”.

  

“Bất đồng nhưng không bất hòa”. Nếu có những bất đồng trong quan niệm tôn giáo, nhưng hy vọng chúng mình không để rơi vào bất hòa, vì là những bạn bè. Và như vậy, chúng ta mãi mãi là những người bạn tốt.